Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

CÁC PHÉP ĐỐI




  1. Hôm nay TD xin phép đăng bài này để giải đáp câu hỏi của một số bạn đã nhắn tin, muốn tìm hiểu về các phép đối trong hai cặp thực- luận của bài TNBC đường luật. 

    Theo “Thi pháp thơ Đường” của Quách Tấn, cũng như một số tài liệu khác, TD thấy trong thơ đường luật, người chơi hay sử dụng các phép đối cơ bản sau: chỉnh đối, tá tự đối, cú trung đối, tựu cú đối, lưu thủy đối, phiến đối, giao cổ đối, bất đối chi đối…
    Trước khi nói tới các phép đối khác, ta phải nói về phép chỉnh đối, trước, vì đây là phép đối ngẫu cơ bản nhất, người chơi thơ cần phải nắm thật vững mới có thể làm được tốt các phép đối khác. 


    PHÉP CHỈNH ĐỐI 
    Phép đối này là phép đối thông dụng nhất.
    Trong cuộc sống hàng ngày, các câu nói cửa miệng quen thuộc của người Việt Nam, cũng như trong ca dao, tục ngữ chứa đựng rất nhiều những câu đối ngẫu rất tề chỉnh, như:
    Đi ngược về xuôi
    Lên rừng xuống biển
    Lên voi xuống chó
    Ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng
    Làng trên xóm dưới
    ….
    Đó chính là những câu đối ngẫu rất thông dụng, rất hay.
    Yêu cầu của phép đối này là các cặp từ tương ứng của câu trên và câu dưới phải đối với nhau: động từ thì đối với động từ, danh từ chung thì đối với danh từ chung, danh từ riêng thì đối với danh từ riêng, tính từ đối với tính từ, từ láy với từ láy.


    “Tự buổi anh trao lời hẹn ước
    Là ngày em nếm cảnh chờ trông”


    Từng cặp từ đối chan chát nhau về từ loại, như: TỰ đối với LÀ; BUỔI- NGÀY, ANH- EM, TRAO- NẾM… từng cặp từ đối rất chặt chẽ

    CÁC LỖI THẤT ĐỐI THƯỜNG GẶP:
    VD1:
    Vì nhung nhớ kẻ xa muôn hướng
    Để bẽ bàng duyên tủi vạn phần
    Ở đây: nhung nhớ là động từ láy – bẽ bàng là tính từ láy = thất đối
    VD2:
    Khắc khoải dâng buồn trong mắt Mẹ
    Âm thầm ngóng đợi dưới hàng tre
    Buồn (tính từ) – đợi (động từ) => thất đối
    VD3:
    Lưu luyến bài thơ trên bến vắng
    Ngại ngần khúc nhạc giữa chiều hoang
    Lưu luyến (động từ ghép đẳng lập: LƯU và LUYẾN)- ngại ngần (động từ láy) = thất đối
    Tuy nhiên, trong một bài thơ TNBC đường luật, Để cho một chùm thơ, một tập thơ không bị đơn điệu về hình thức đối ngẫu, người xưa đã đưa ra nhiều phép đối ngẫu linh hoạt hơn. Vì vậy, khi thấy một bài thơ không chỉnh đối, đừng vội đánh giá là thất đối, mà có thể rơi vào các trường hợp của các phép đối đặc biệt dưới đây: 


    PHÉP KHOAN ĐỐI
    Để cho một chùm thơ, một tập thơ không bị đơn điệu về hình thức đối ngẫu, người xưa đã đưa ra nhiều phép đối ngẫu linh hoạt hơn.


    1/ Phép lưu thủy đối:
    Ví dụ:
    Có phải mưa hoài không thể đến
    Hay vì anh đã chẳng còn yêu 


    Giá như thuở ấy không thề hẹn
    Có lẽ bây giờ chẳng nhớ thương 


    Theo quy tắc chiếu chữ thì hai câu này là bất đối. Nhưng lại xét: Hai câu thơ có cấu trúc ngữ pháp giống nhau; mạch ý câu trên trôi chảy như nước, được tràn sang câu dưới làm lọn nghĩa cho câu trên. Đó là phép Lưu thủy đối.

    Tất cả các liên thơ mà câu trên bắt đầu bằng mấy chữ tương tự như: còn chăng…, có phải …, bởi lẽ…, ứng với đầu câu dưới là các chữ tương tự như: hay đã…, hay là …, làm cho…, v.v. thì liên thơ đó đã theo phép đối nói trên.

    2/ Phép tá tự đối:
    Ví dụ:
    Lũng thẳm rừng sâu bền ý định
    Trùng khơi sóng cả vững tay chèo 


    Nếu xét theo nghĩa của từ trong bài thì: Ý định (danh từ)- tay (dt), chèo (đt) = không chỉnh đối
    Nhưng chiếu theo nghĩa khác của từng từ (không phải nghĩa trong bài)
    Ý (dt)- tay(dt)
    Định (ĐT) – Chèo (ĐT)
    => Đối rất chặt với nhau


    VD:
    Mà bao tháng bão dâng lồng lộng
    Để những ngày giông biết gượng ghì 


    Xét theo nghĩa của từ trong bài thì: lồng lộng là tính từ láy, gượng, ghì là động từ, nhưng xét riêng từng từ thì lồng, lộng, gượng, ghì đều là động từ => đối rất chặt chẽ. 

    3/ Phép cú trung đối:
    Ví dụ
    Phòng khuya bóng tẻ hoài mong nhớ
    Mộng vỡ tình bay vẫn ngóng chờ


    Nếu câu trên, câu dưới cứ chiếu từng chữ lên nhau, thì hai câu này cũng bất đối. Nhưng xét nội bộ từng câu, thì lại thấy: phòng khuya đối với bóng tẻ; mộng vỡ đối với tình bay; đuôi câu trên (hoài mong nhớ) đối rất chặt với đuôi câu dưới (vẫn ngóng chờ). Lấy câu có nội đối để đối nhau thì lại rất cân bằng. Đây là phép cú trung đối.

    4/ Phép Tựu cú đối:
    Nghiêng thành đổ nước thời xuân trẻ
    Nhạt phấn phai hương buổi héo già 


    Ngoài phần có tiểu đối, trong từng câu còn có phần bất đối (nhạt là tính từ - phai là động từ => không đối). Do đó chúng ta quy vào phép Tựu cú đối.

    Cả 2 phép Cú trung đối và Tựu cú đối còn có tên chung là Đương đối.

    5/ Phép giao cổ đối:
    Nghe lòng dậy sóng đìu hiu ngõ
    Quạnh quẽ dòng trôi kẻ ngóng đò


    Đây chính là phép Giao cổ đối: Nghe lòng dậy sóng đối chéo xuống với trôi kẻ ngóng đò, và quạnh quẽ dòng đối chéo lên với đìu hiu ngõ.

    6/ Phép bất đối chi đối:
    Bài DANG DỞ MỘNG, Hạ Băng có cặp luận như sau:
    “Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết?”
    "Em biết anh đi chẳng trở về"


    Câu trên trích trong bài “Đời vắng em rồi” _ Vũ Hoàng Chương
    Câu dưới trích trong bài “Em biết anh đi chẳng trở về” _ Anh Bằng 


    Cái hay của phép đối này là: Ghép hai câu thơ khác nhau của hai tác giả mà câu đối vẫn hiệp chung một tình ý. Câu 1 có đại ý là tự vấn về duyên phận. Câu hai có đại ý là đã biết trước kết cục của cuộc tình rồi. Thật là quá hợp với nội dung. Đây là phép bất đối chi đối, lấy cái không đối để đối, không lệ thuộc vào mặt chữ mà chỉ chú trọng đến ý. Ý phải đối nhau, cấu trúc ngữ pháp phải song song đồng dạng với nhau.

    7/ Phép phiến đối (cách cú đối):
    Bạn dửng dưng hoài phai sắc mộng (câu 3)
    Dòng khơi sóng nổi bão giông đầy (câu 4)
    Anh biền biệt mãi sầu mây gió (câu 5)
    Ngõ quạnh sương choàng mắt lệ cay (câu 6)


    Là lấy câu thứ 3 đối với câu thứ 5, lấy câu thứ 4 đối với câu thứ 6. Đây là phép phiến đối (hay cách cú đối).

    Ai còn những phép đối nào khác, xin chia sẻ để mọi người học nhé. 

    Thiet Duong (Sưu tầm và biên soạn)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét