Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

LÝ BẠCH

Lý-Bạch, Nhà-Thơ Chết Vì Trăng




Trong văn-học-sử Trung-Hoa, thời thịnh Đường (Lý-Long-Cơ 618-907), có hai Nhà-Thơ nổi-tiếng và được mọi người nể-trọng, đó là Lý-Bạch (李白) và Đỗ-Phủ (杜甫). Lý-Bạch được tôn là Thi-Tiên, còn Đỗ-Phủ (nhỏ hơn ông 11 tuổi) là Thi-Thánh. Thật vậy, ông là một Nhà-Thơ nổi-tiếng không những ở trong nước, mà còn ở nước ngoài nữa.
I. Tiểu-Sử Lý-Bạch:
Lý-Bạch (701-762), tự Thái-Bạch, hiệu Thanh-Liên cư-sĩ, sinh tại Lũng-Tây, Cam-Túc, làng Thanh-Liên, huyện Thiên-Thủy. Ông lớn hơn Thôi-Hiệu 3 tuổi. (XemThôi-Hiệu Và Bài Thơ Hoàng-Hạc Lâu của cùng người viết trên LH). Ông được kính-nể nhờ tài uống rượu và làm thơ. Năm 10 tuổi, ông đã biết làm thơ và phần nhiều thơ rất hay. Ông thuộc lầu Kinh Thi và Kinh Thư. Nhờ cha mẹ khá-giả, ngay từ nhỏ ông đã có “máu” giang-hồ. Ông là người chán cảnh danh-lợi, chỉ thích bầu rượu túi thơ, nay đây mai đó. Năm 10 tuổi, gia-đình ông chuyển về huyện Chương-Minh, Tứ-Xuyên. Tại đây Lý-Bạch thích học kiếm-thuật, và tài làm thơ của ông phát-triển. Năm 16 tuổi, mọi người ở Tứ-Xuyên đều biết tiếng ông, nhưng ông lại tỏ ra chán-nản, lên núi sống ẩn-dật.
Hai năm sau, ông hạ sơn, đi khắp các tỉnh Hà-Bắc, Giang-Tây, Tràng-An... Năm mới 20 tuổi, ông đã đi khắp nước Thục, trở về gia-đình, chuẩn-bị mọi thứ cần-thiết cho cuộc hành-trình sắp tới. Ông đến xin làm cho quan thứ-sử Ích-Châu là Tô-Dĩnh, được ông này trọng-vọng.
Có thể nói, Lý-Bạch là một Nhà Thơ “bất-cần đời". Xem tiểu-sử của ông, ta thấy đã mấy lần ông từ-chối “áo mũ xênh-xang” của Vua Đường, từ-chối sang giầu, vàng bạc. Ông không thích bị bó-buộc trong “lầu son gác tiá”, mà chỉ thích bầu rượu túi thơ, ngao-du, giang-hồ nay đây mai đó.
Năm 723, Lý-Bạch đeo một bầu rượu lớn, lên đường ngao-du. Trong khoảng ba năm đầu, ông đã chiêm-ngưỡng hầu hết cảnh đẹp của đất nước Trung-Hoa lúc bấy giờ. Đến năm 726, ông kết-duyên cùng cháu gái của Hứa tướng-công ở Vân-Mộng. Năm 30 tuổi tiếng-tăm của ông đã vang đến triều-đình. Ông được mời ra làm quan, nhưng không nhận.
Năm Khai-Nguyên thứ 23 (735), ông dẫn vợ qua nước Tề, Lỗ, và định- cư ở Nhiệm-Thành. Nơi đây, Lý-Bạch được năm người bạn rủ lên núi thưởng-ngoạn, uống rượu làm thơ ở Trúc-Khê. Nhóm này được gọi là " Trúc-Khê Lục-Dật" (sáu người ẩn-dật trong khe trúc).
Năm 741, Lý-Bạch lại từ-bỏ gia-đình, vợ con, đến Hồ-Nam rồi Giang-Tô, Sơn-Đông... Đi đến đâu, ông nổi-tiếng đến đó.
Năm Thiên-Bảo (742) thứ nhất, ông đến Cối-Kê ở ẩn tại Thiểm-Trung. Sau đó về Trường-An, ở đây ông gặp Thái-tử Hạ-Tri-Chương, trở nên đôi bạn rượu thơ thân- thiết. Ông được Thái-tử tiến- cử lên vua Đường-Minh-Hoàng. Vua Đường nghe danh-tiếng ông đã lâu, nên rất thích ông, vời vào Điện Kim-Loan thảo thư-từ, về sau được phong làm Hàn-Lâm, chuyên giữ việc mật. Ông được vua Đường và Hoàng-Hậu Dương-Quý-Phi yêu-mến. Tại đây, ông ở trong nhóm " Tửu trung bát tiên".
Năm 745, vì lối sống buông-thả, rượu-chè của ông, lại bị gièm-pha nên Dương-Quý-Phi chán-ghét, làm Vua cũng khó xử vì mến tài ông.
Lý-Bạch là người thông-minh, tự nhận ra điều đó, rồi vì tính thích ngao-du đó đây, ông xin từ-biệt vua. Vua chiều theo, lại tặng thêm rất nhiều vàng nhưng ông không nhận. Cuối cùng, vua cho ông quyền uống rượu khỏi trả tiền tại bất cứ quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ do ngân-khố thanh-toán. Vì thế, trong 10 năm kể từ khi rời cung. Lý-Bạch tha-hồ uống rượu và đi chơi. Nhờ đi quá nhiều, ông quen biết và thân-thiết với rất nhiều thi-tài. Năm 744, ông gặp Đỗ-Phủ ở Lạc-Dương. Đỗ-Phủ còn trẻ tuổi, trong khi Lý-Bạch đã có tiếng-tăm trên thi-đàn. Họ là "đôi bạn vong-niên". Hai ông đã đối-ẩm, làm thơ với nhau. Họ chỉ gặp lại nhau một lần nữa vào năm 745, chín năm sau thì Thôi-Hiệu, tác-giả Hoàng-Hạc Lâu, qua đời. (Xem Thôi-Hiệu của cùng người viết).
Sau vì binh-biến, loạn-lạc, Lý-Bạch về ở ẩn tại Lư-Sơn. Năm 757 (56 tuổi), Tiết-Độ-Sứ Vĩnh-Vương-Lân đến tận nơi mời ông về phủ. Nể lời, Lý-Bạch đành phải đi theo. Đến khi Lân tạo-phản, bị bắt, Lý-Bạch cũng chạy trốn, nhưng không thoát. Lúc sắp bị tử-hình, may có Tuyên-Uý Đại-sứ Thôi-Chi-Hoán và quan Ngự-sử Tống-Nhược-Tư che-dấu. Qua năm 757 bị triều-đình bắt lại, nhưng nhờ Thôi-Chi-Hoán bênh-vực, ông được giảm xuống tội bị đầy. Năm 758, trên đường đi đầy, Lý-Bạch được tha, ông liền đi đến Hán-Dương, tiếp-tục cuộc ngao-du đây đó. Tuy-nhiên, vì tuổi già, sức yếu, ông đành đến ở nhờ người anh họ ở Đang-Đồ. Bốn năm sau, vua Đường-Đại-Tông lên ngôi, cho mời Lý-Bạch về làm quan, nhưng ông đã qua đời rồi (762) .
Tục-truyền có một đêm, khi Lý-Bạch đang say-sưa trên bờ sông Thái-Thạch, huyện Đang-Đồ, tỉnh An-Huy, ông nhìn thấy trăng ở dưới đáy nước, đẹp quá, liền nhảy xuống, với ý-định vớt trăng lên, nhưng chết đuối. Từ nơi đó, về sau người ta xây một cái đài đặt tên là Tróc-Nguyệt-Đài (Đài Bắt Trăng). Cũng có bằng-chứng cho rằng Lý-Bạch đã tự-tử. Chuyện ông nhẩy xuống sông ôm trăng có phần nào thêu-dệt, nhưng chính vì thế, làm cho thơ ông thơ-mộng hơn, nổi-tiếng hơn.
II. Tác-Phẩm:
Lý-Bạch đã sáng-tác hơn 20.000 bài thơ, nhưng ông không bận-tâm cất-giữ bài nào. Thơ của ông được biết tới là nhờ dân-gian truyền-tụng. Đến khi ông mất (762), người ta mới gom-góp lại được 1.800 bài, nhưng nay chỉ còn trên dưới 1.000 bài, và bài nào cũng hay.
Ông sáng-tác về mọi đề-tài như uống rượu, thưởng-ngoạn, xem hoa, tình-bạn, nỗi khổ của người dân, nỗi đau-đớn của người vợ trẻ xa chồng (chinh-phụ), của người cung-nữ, nỗi cô-đơn và bất-lực trước vũ-trụ bao-la. Khác Đỗ-Phủ, thơ của Lý-Bạch nhẹ-nhàng, phóng-khoáng, tự-nhiên, không va-chạm đến thế-sự, lại có sắc-thái chủ-nghĩa lãng-mạn.
Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Tĩnh dạ tư (ý-nghĩ trong đêm) nói lên nỗi-lòng nhớ quê-hương của ông, một bài thơ mà mọi người Trung-Hoa đều thuộc khi xa quê-hương.
Sàng tiền khán nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.
床前看月光
疑是地上霜
舉頭望明月
低頭思故鄉




Bản dịch của Tương-Như:
Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.
Bản dịch của Trần-Trọng-Kim:
Đầu giường chợt thấy bóng trăng,
Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa.
Ngửng đầu trông vẻ gương nga,
Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn.
Nhiều người thích thơ Cổ-Phong của Lý-Bạch, ngoài ra ông còn có thơ tứ cú, bát cú . Sau đây là bài “Nguyệt Hạ Độc Chước” được truyền-tụng rất nhiều :
III. Bài Thơ “Nguyệt Hạ Độc Chước”:
1. Hán:
月下 獨 酌
花間一壺酒 ,
獨酌無相親;
舉杯邀明月 ,
對影成三人。
月既不解飲 ,
影徒隨我身;
暫伴月將影 ,
行樂須及春。
我歌月徘徊,
我舞影零亂;
醒時同交歡 ,
醉後各分散。
永結無情遊 ,
相期邈雲漢。
2. Hán-Việt:
Nguyệt Hạ Độc Chước
Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi;
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Túy hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ diểu Vân Hán.
Lý Bạch
3. Nghĩa Tiếng Việt:
một chung rượu uống bên hoa/không có ai nữa/nâng ly mà yêu trăng sáng/với bóng nữa là ba người/trăng không biết uống rượu/giã-từ bạn cùng với trăng/chơi-bời cho hết xuân đi/khi ta hát thì trăng xúc-động/khi ta múa thì ảnh hình rối-loạn/khi ta tỉnh thì tất cả cùng vui/sau khi hết uống rượu lại phân tán nhiều chỗ/gắn bó nhau mãi mãi/hẹn gặp nhau lại tạiVân-Hán.
4. Các bản dịch thơ:
                              a. Bản dịch của Tương-Như:
     Một mình uống rượu dưới trăng
Có rượu không có bạn,
Một mình chuốc dưới hoa.
Cất chén mời Trăng sáng,
Mình với Bóng là ba.
Trăng đã không biết uống,
Bóng chỉ quấn theo ta.
Tạm cùng Trăng với Bóng,
Chơi xuân cho kịp mà!
Ta hát, Trăng bồi hồi,
Ta múa, Bóng rối loạn.
Lúc tỉnh cùng nhau vui,
Say rồi đều phân tán.
Gắn bó cuộc vong tình,
Hẹn nhau tít Vân Hán.
                             b. Bản dịch của Trần-Trọng-Kim:
Trong hoa rượu ngọt một bầu,
Một mình chuốc chén có đâu bạn bè.
Mời trăng cất chén kè nhè,
Thân ta, bóng ấy, trăng kia, ba người.
Trăng thì tiếp rượu không nguôi,
Bóng ta theo mãi không rời thân ta.
Bạn cùng trăng bóng vẩn vơ,
Vui chơi khuây khỏa để chờ ngày xuân.
Ta ca trăng cũng băn khoăn,
Khi ta nhảy múa, bóng lăn lộn hoài.
Cùng nhau khi tỉnh vui cười,
Say rồi nghiêng ngửa, mọi nơi rạc rời.
Vô tình giao kết chơi bời,
Hẹn nhau ở chỗ xa khơi cõi trời.
c. Bản dịch của Hà-Việt-Hùng:
Người viết bài này xin mạo-muội đóng góp một bản dịch như sau:
Dưới Trăng Uống Rượu Một Mình
Rượu ngon ta uống một mình
Bên hoa, trăng sáng lung-linh ánh vàng
Trăng ơi, trăng uống đi trăng
Với ta, trăng, bóng là thành bộ ba
Trăng không biết uống trăng-tà
Sao bóng luẩn-quẩn bên ta thế này
Trăng theo bóng ngả về đây
Chơi xuân cho kịp những ngày có xuân
Ta ca, trăng cũng tần-ngần
Ta múa, bóng cũng thêm phần lung-linh
Khi tỉnh, cùng thắm-thiết tình
Khi say, phân-tán muôn hình muôn nơi
Biết nhau trên đoạn đường đời
Gặp nhau Vân-Hán cho vơi nỗi-buồn.

IV. Vài Ý-Nghĩ
Trăng cũng như rượu là hai vật-thể không thể thiếu trong cuộc-đời và thi-ca của Lý-Bạch. Ở đâu cũng nhuốm hình-bóng của trăng và rượu. Trăng và rượu có mặt trong nhiều tác-phẩm của Lý-Bạch. Riêng về trăng, không ai yêu trăng như Lý-Bạch, vì vậy trăng đã ảnh-hưởng đến cuộc-đời của ông, cuối cùng, ông đã ôm trăng và chết-đuối cùng trăng. Có người cho rằng ngày nay trong thời-gian trăng tròn, nhiều tai-nạn giao-thông xẩy ra , những vụ giết người hoặc tự-tử cũng tăng lên và cho rằng có nhiều người vào bệnh- viện tâm-thần hơn. Điều này chưa có cơ-sở chứng-minh, nhưng Lý-Bạch thực-sự đã gây một ảnh-hưởng sâu xa, chẳng những trong văn-học-sử Trung-Hoa mà còn ở nước ngoài nữa. Nhiều người Âu-Châu thích thơ Lý-Bạch hơn cả, nhờ thơ của ông giản-dị, không có nhiều điển-tích rườm-rà như phần đông các thi-sĩ Trung-Hoa khác đã làm. Có nhiều thi-sĩ Việt-Nam đã chịu ảnh-hưởng của Lý-Bạch.
V. Tham-Khảo:
- Các websites liên-quan.
- Wikipedia.

1 nhận xét:

  1. UỐNG RƯỢU DƯỚI TRĂNG
    Lý Bạch
    Trong vườn hoa rượu một bình
    Chẳng ai là bạn một mình bên hoa
    Tưởng đâu uống rượu mình ta
    Trăng,Ta với bóng chả ba là gì
    Trăng không uống rượu hề chi
    Bóng còn quất quít liền kề bên ta
    Hướng về Trăng sáng từ xa
    Cùng vui cho thỏa kẻo mà hết xuân
    Khi ta hát tưởng Trăng ngân
    Múa thì Bóng luyến theo chân rộn ràng
    Tỉnh ra cất tiếng ca vang
    Rượu tàn ta lại nhẹ nhàng chia ly
    Nguyện cùng nhau mãi nhâm nhi
    Sông Ngân điểm hẹn đến thì gặp nhau.

    Trả lờiXóa